Vị trí Việt_Thường

Thư tịch đầu tiên đề cập tới nước Việt Thường là sách "Thượng thư đại truyện" (尚書大傳).[2][3] Theo "Thượng thư đại truyện", "Hậu Hán thư" và "Tư trị thông giám cương mục" (資治通鑑綱目) thì nước Việt Thường nằm ở phía nam Giao Chỉ.[3][4][5] Theo sách Việt sử lược Việt Thường thị không phải là một quốc gia mà là một bộ lạc ở Giao Chỉ.[6]

Trước thời các vua Hùng dựng nước, Hà Tĩnh cùng với Nghệ An là nước Việt Thường. Từ việc tên gọi "Việt Thường" trong Hán văn có ba cách viết khác nhau là 越裳, 越嘗, 越常 Đào Duy Anh đoán rằng "Việt Thường" là phiên âm của tên gọi của nước Việt Thường trong tiếng nước Việt Thường, vì là một cái tên phiên âm nên tên gọi Việt Thường có thể viết bằng bất kỳ chữ Hán nào có âm đọc giống như vậy. Thời Tây Chu, vua nước SởHùng Cừ phong cho con trai út của mình là Chấp Tì (執疵) đất Việt Chương (越章). Theo Đào Duy Anh trong tiếng Trung Quốc "Việt Chương" và "Việt Thường" đồng âm với nhau, hai cái tên này chỉ là một, chỉ khác nhau về tự dạng, nước Việt Thường chính là nằm trên đất Việt Chương. Thời Hán có một quận gọi là quận Dự Chương (豫章). Cũng theo Đào Duy Anh trong tiếng Trung Quốc "Dự Chương" phát âm gần giống với "Việt Chương/Việt Thường", Đào Duy Anh đoán rằng có thể quận Dự Chương được lập trên đất Việt Thường/Việt Chương cũ. Đất của quận Dự Chương theo Đào Duy Anh ngày nay thuộc Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc.[7] Đào Duy Anh cho rằng "Việt Thường" và "Việt Chương" trong tiếng Trung Quốc là đồng âm nhưng trong thực tế thì trong tiếng phổ thông Trung Quốc "Việt Thường" và "Việt Chương" được đọc khác nhau, trong tiếng Hán thượng cổ "Việt Thường", "Việt Chương" và "Dự Chương" cũng không đồng âm.[8]